Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là xu hướng tất yếu để xác thực việc mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ mà thế giới đã thực hiện nhiều năm trước đây, ở Việt Nam đã triển khai thí điểm và triển khai diện rộng ở nhiều địa phương như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh và một số tỉnh thành. Đến nay thì HĐĐT hay e-invoice đã trở thành khái niệm quen thuộc với các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội – một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước.
Có thể nói HĐĐT là giải pháp tiên tiến, mang lại lợi ích đa chiều cho cả doanh nghiệp, tổ chức, người nộp thuế, cho cơ quan quản lý nhà nước và thậm chí toàn xã hội.
Đối với doanh nghiệp:
Sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp phải in một số lượng dự trữ để dùng dần nên ngoài chi phí in ấn còn tốn thêm chi phí bảo quản hóa đơn giấy chưa sử dụng, mất thêm diện tích kho quỹ để lưu giữ hóa đơn giấy. Với HĐĐT, doanh nghiệp loại bỏ được các chi phí cho các công việc này.
Tiện lợi cho doanh nghiệp: tích hợp dữ liệu HĐĐT đã lập vào phần mềm kế toán, không cần nhập lại, giảm công sức nhân lực, hạn chế sai sót, dễ dàng tra cứu; Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được yêu cầu phải sao lưu định kỳ nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra. Đồng thời giúp doanh nghiệp mua hàng có thể hoàn toàn yên tâm về địa chỉ người bán xuất hóa đơn, tránh được rủi ro nhận hóa đơn giấy của doanh nghiệp ma, tránh được tình trạng nhận phải hóa đơn bất hợp pháp như xảy ra đối với hóa đơn giấy.
Sử dụng HĐĐT là điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với các giao dịch điện tử có ký số. Đây là xu hướng đang rất phát triển và cũng là tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.
Doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho việc phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Dữ liệu có thể được chia sẻ hoặc tra cứu tự động trên một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của cơ quan thuế.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và cơ quan Thuế nói riêng trong việc thực hiện chức năng quản lý của mình:
Giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, tăng cường hiệu quả quản lý và là nền tảng để tiếp tục cải cách hành chính theo xu hướng số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ, hướng tới chính quyền điện tử; Cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu để phân tích đánh giá rủi ro nhận diện và phòng ngừa các vi phạm về hóa đơn, góp phần ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích vào những mục đích xấu; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế;
Công tác quản lý thuế được hiện đại hóa, thuận lợi hơn, giảm chi phí quản lý (thông qua giảm thời gian đối chiếu hóa đơn giấy như hiện nay);
Doanh nghiệp sử dụng HĐĐT sẽ tiếp tục tạo lập và thúc đẩy giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế với doanh nghiệp.
Đối với xã hội:
Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), tình trạng làm giả hóa đơn, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp;
Giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng, là cơ sở nền tảng cho phát triển xã hội số;
Một lợi ích khác mà HĐĐT mang lại chính là giảm tối đa việc sử dụng giấy in góp phần bảo vệ môi trường.
Với những lợi ích vượt trội mà HĐĐT mang lại, tiếp thu tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Tổng cục Thuế, ngay từ năm 2019, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành các công văn chỉ đạo toàn ngành để thực hiện áp dụng HĐĐT thống nhất, đúng quy định, với lộ trình mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Bằng sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức ngành Thuế Thủ đô, hết tháng 9/2020, Cục Thuế TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc triển khai HĐĐT trên địa bàn Thành phố và hoàn thành trước 03 tháng so với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại văn bản số 130/TB-BCĐCQĐT ngày 17/02/2020 của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố Hà Nội.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ để triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó, điểm mới quan trọng nhất của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo đó, kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).
Để hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 17/9/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế lập kế hoạch triển khai theo 2 giai đoạn và đã ban hành các Quyết định về việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố. Cục Thuế TP Hà Nội được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tin tưởng, lựa chọn là một trong 6 Cục Thuế triển khai giai đoạn 1 theo công văn số 10847/BTC-TCT ngày 20/9/2021 và quyết định số 1830/QĐ-BTC ngày 20/9/2021 của Bộ Tài chính.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành Thuế Thủ đô đã có kế hoạch để triển khai, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên toàn địa bàn. Cục Thuế tin tưởng rằng, việc triển khai HĐĐT lần này sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách hành chính và bước đầu cho nền móng số hóa trong thời kỳ hội nhập
Nguồn: Cục thuế thành phố Hà Nội